Thấy gì trên đỉnh giá - Mây Ichimoku
Mây Ichimoku là tập hợp các chỉ báo thể hiện xu hướng, các ngưỡng hỗ trợ và kháng cự của biến động giá được dùng phổ biến để tìm tín hiệu giao dịch mua/bán chứng khoán, ngoại tệ, hàng hoá…
Ichimoku là tên gọi rút gọn của Ichimoku Kinkō Hyō (tiếng Nhật: 一目均衡表), phương pháp phân tích kỹ thuật biến động giá được phát triển bởi nhà báo người Nhật Hosoda Goichi (tiếng Nhật: 細田悟一) và được công bố vào cuối những năm 60.
Chỉ báo Ichimoku được dùng chung với biểu đồ nến Nhật (Candlestick Chart) để thể hiện xu hướng giá. Các thành phần của Ichimoku được tính bằng phép toán trung bình cộng tương đối đơn giản.
Chỉ báo Ichimoku
Chỉ báo Ichimoku gồm 6 thành phần chính: Tenkan-sen, Kijun-sen, Chikou Span, Senkou Span A, Senkou Span B, và Mây/Kumo. Mây/Kumo là đặc điểm khác biệt giữa Ichimoku với các chỉ báo khác nên kỹ thuật này thường được gọi là Mây Ichimoku.
Tenkan-sen
Tenkan-sen (tiếng Nhật: 転換線), hay đường chuyển đổi (màu xanh dương), được tính bằng cách lấy trung bình của giá cao nhất và giá thấp nhất của 9 phiên giao dịch. Tenkan-sen thể hiện xu hướng giá trong ngắn hạn.
$$ \text{Tenkan-sen} = \frac{\text{[cao nhất 9 phiên]}+\text{[thấp nhất 9 phiên]}}{2} $$
Kijun-sen
Kijun-sen (tiếng Nhật: 基準線), hay đường cơ sở (màu đỏ), được tính bằng cách lấy trung bình của giá cao nhất và giá thấp nhất của 26 phiên giao dịch. Tenkan-sen thể hiện xu hướng giá trong trung hạn.
$$ \text{Kijun-sen} = \frac{\text{[cao nhất 26 phiên]}+\text{[thấp nhất 26 phiên]}}{2} $$
Tenkan-sen và Kijun-sen mang ý nghĩa khá tương tự như đường trung bình động (Moving Average: MA) thể hiện xu hướng ngắn hạn và trung hạn. Lưu ý cách tính Tenkan-sen và Kijun-sen không giống với cách tính MA do sử dụng giá trị cao nhất và thấp nhất thay vì sử dụng giá đóng cửa.
Chikou Span
Chikou Span (tiếng Nhật: 遅行スパン), hay đường trễ (màu xanh lá), là giá đóng cửa nhưng được vẽ lùi về 26 phiên. Chikou Span được dùng để dễ so sánh xu hướng giá hiện tại và giá quá khứ trung hạn.
Senkou Span A
Senkou Span A (tiếng Nhật: 先行スパンA), hay đường dẫn đầu A, là một trong hai đường cấu tạo nên mây Ichimoku. Senkou Span A được tính bằng cách lấy trung binh của Tenkan-sen và Kijun-sen và vẽ về phía trước (tương lai) 26 phiên.
$$ \text{Senkou Span A} = \frac{\text{Tenkan-sen}+\text{Kijun-sen}}{2} $$
Dựa vào công thức này ta có thể thấy Senkou Span A mang ý nghĩa tương tự như đường trung hạn Kijun-sen nhưng đặt trọng số vào những phiên gần nhất.
Senkou Span B
Senkou Span B (tiếng Nhật: 先行スパンB), hay đường dẫn đầu B, cùng với Senkou Span A tạo thành mây Ichimoku. Senkou Span B là trung bình của giá cao nhất và giá thấp nhất của 52 phiên giao dịch và vẽ về phía trước (tương lai) 26 phiên. Senkou Span B thể hiện xu hướng giá trong dài hạn.
$$ \text{Senkou Span B} = \frac{\text{[cao nhất 52 phiên]}+\text{[thấp nhất 52 phiên]}}{2} $$
Do cách tính của Senkou Span B lấy giá cao nhất và thấp nhất trong nhiều phiên, Senkou Span B thường có những đoạn dài với giá trị giống nhau trong khi Senkou Span A có giá trị thây đổi thường xuyên hơn.
Kumo/Mây
Vùng diện tích ở giữa Senkou Span A và B được gọi là mây (tiếng Nhật: 雲) và được tô màu xanh lá khi Senkou Span A cao hơn B (thể hiện xu hướng ngắn hạn đang cao hơn dài hạn) và màu đỏ khi B cao hơn A (thể hiện xu hướng ngắn hạn đang thấp hơn dài hạn). Vùng giá bên trong mây là vùng cân bằng giá.
Một số tín hiệu cơ bản
Chỉ báo Ichimoku cung cấp một số tín hiệu để đưa ra quyết định mua hoặc bán. Khi có nhiều tín hiệu của cùng một xu hướng thể hiện xu hướng chắc chắn hơn.
Tenkan-sen và Kijun-sen
Tenkan-sen vượt lên trên Kijun-sen thể hiện xu hướng tăng. Khi Tenkan-sen xuống thấp hơn Kijun-sen thể hiện xu hướng giảm.
Chikou Span và Giá
Chikou Span vượt lên trên đường giá thể hiện xu hướng tăng. Khi Chikou Span xuống thấp hơn đường giá thể hiện xu hướng giảm.
Mây và Giá
Mây chuyển từ xanh sang đỏ thể hiện xu hướng chuyển từ tăng sang giảm. Mây chuyển từ đỏ sang xanh thể hiện xu hướng chuyển từ giảm sang tăng.
Giá nằm trên mây thể hiện xu hướng tăng. Giá nằm dưới mây thể hiện xu hướng giảm. Giá nằm trong mây không cho biết rõ xu hướng.
Một số lưu ý
Nguyên tắc hoạt động
Chỉ báo Ichimoku hoạt động dựa trên nguyên tắc giá mua/bán trong quá khứ sẽ quyết định giá mua bán trong tương lai. Do những chủ thể tham gia thị trường luôn muốn bán lời và không muốn lỗ trong điều kiện bình thường. Chỉ báo có giá trị nhất khi thị trường đang trong một xu hướng (tăng/giảm) rõ ràng.
Một dữ liệu tương đối quan trọng là khối lượng giao dịch không được dùng trong chỉ báo Ichimoku. Đây là điểm yếu lớn nhất của phương pháp này. Có thể dùng chung với một số phương pháp khác đễ hỗ trợ cho việc đưa ra quyết định.
Tiên tri tự hoàn thành
Một nguyên nhân cho hiệu quả của phương pháp phân tích kỹ thuât có thể là do tiên tri tự hoàn thành (hay self-fulfilling prophecy). Nghĩa là trong một thị trường khi có nhiều người dùng chung một phương pháp và đưa ra cùng một quyết định khi có cùng tín hiệu sẽ dẫn đến kết quả như dự đoán. Ví dụ khi có tín hiệu mua, mọi người đều mua dẫn đến việc giá tăng và ngược lại.
9-26-52
Chỉ báo Ichimoku sử dụng 9, 26, và 52 phiên để tính toán xu hướng ngắn, trung, và dài hạn. Những con số này được sử dụng trong quá khứ những năm 60s ở Nhật Bản và được giữ nguyên cho thị trường hiện tại. Việc dùng những giá trị khác cho phù hợp với thị trường hiện đại có thể làm tăng hiệu suất giao dịch. Tuy nhiên nếu sử dụng giá trị khác với giá trị mặc định có thể làm mất đi hiệu quả của tiên tri tự hoàn thánh.
Kết luận
Mây Ichimoku tuy không dự đoán được tương lai, nhưng thể hiện được xu hướng giá ở hiện tại dựa vào dữ liệu quá khứ. Những thông tin này giúp ích cho việc đưa ra quyết định giao dịch để hạn chế rủi ro.
Tham khảo
- Stocks & Commodities V. 18:20 (22-23): Ichimoku Charts by Ken Muranaka
- Ichimoku_Kinkō_Hyō - Wikipedia
- Mây Ichimoku là gì - VNExpress